Tìm kiếm bài:

Thế giới yêu quái lý thú trong truyền thuyết Nhật Bản


Khán giả Việt Nam, nhất là giới trẻ, khá quen thuộc với những bộ phim lấy bối cảnh từ truyền thuyết phương Tây như “Harry Porter”, “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, “Chạng vạng”… Qua đó, thế giới thần bí của phù thủy, yêu tinh, thần tiên, ma cà rồng, người sói… được miêu tả sinh động, hấp dẫn. Song ít ai biết rằng có một thế giới yêu quái lý thú trong truyền thuyết Nhật Bản, tuy không có ma cà rồng, phù thủy…nhưng rất đa dạng, từ các yêu quái do động vật biến thành như cáo, mèo,..tới các yêu quái có nguồn gốc từ các đồ vật vô tri như dép rơm, cây dù, bình rượu…
Nhắc tới yêu quái (妖怪) ở Nhật Bản, không thể không nhắc tới truyền thuyết “Bách quỷ dạ hành” (百鬼夜行- Hyakki Yakou), tức cuộc diễu hành của một trăm loài quỷ và yêu quái trong thị trấn vào đêm khuya, tương truyền khi gặp phải đoàn yêu quái này thì phải tụng kinh liên tục, ánh nắng sẽ tới buộc quỷ phải chạy trốn. Đây chính là câu chuyện ca ngợi công đức của Đức Phật. Theo Shuigaisho, một bộ Bách khoa từ điển cổ của Nhật, thì vào ngày Tý tháng Giêng và tháng Hai, ngày Ngọ tháng Ba và tháng Tư, ngày Tỵ tháng Năm và tháng Sáu, ngày Tuất tháng Bẩy và tháng Tám, ngày Mùi tháng Chín và tháng Mười, ngày Thìn tháng Mười Một và tháng Mười Hai âm lịch sẽ xuất hiện “Bách quỷ dạ hành”, gọi là ngày “Bách quỷ dạ hành”, nên hạn chế ra ngoài ban đêm những ngày đó để tránh gặp phải. Đồng thời, tụng những câu thần chú như “Katashi haya, ekase nikuriku, tameru sake, teehi, ashiehi, wareshiko nikeri” (難シハヤ、行カ瀬ニ(トッ)クリニ、溜メル酒、デ酔イ、悪シ酔イ、我シ来ニケリ)sẽ giúp tránh được tác hại từ quỷ.

“Bách quỷ” là cách gọi chung, thực ra có khá nhiều loại quỷ và yêu quái, thậm chí có cả loại yêu quái đem lại vận may cho ai chạm trán với chúng. Thông thường chúng có hình dạng như loài vật, ví dụ như Kappa (河童), gần giống loài rùa, hay Tengu (天狗) có cánh chim, lúc khác chúng có thể xuất hiện với hình dạng gần giống người, thỉnh thoảng lại giống như đồ vật vô tri vô giác…Yêu quái thường có sức mạnh bí ẩn to lớn, với khả năng biến hình. Những yêu quái có khả năng biến hình gọi là Obake (お化け). Nói chung, yêu quái được hiểu là tất cả các sinh vật có khả năng siêu phàm, bao gồm một số loại chính như:
1) Động vật: Rất nhiều động vật ở Nhật được cho rằng chúng có tính ma thuật, chúng có thể biến hóa (変化),và hiện ra dưới hình dạng con người, nhất là hình dạng phụ nữ. Một số động vật tiêu biểu được biết tới là: Tanuki (狸 - một loại chồn thuộc họ chó), cáo (狐), rắn (蛇), con lửng (貉), chó sói (大神), mèo (化け猫), nhện (土蜘蛛và  絡新婦), chó (犬神).
2) Quỷ: Một trong những truyền thuyết được biết tới nhiều nhất là “quỷ”(鬼), một loài sống trên núi, được mô tả với nước da đen, nâu, xanh da trời hay đỏ, có hai sừng trên đầu, mồm rộng đầy nanh, chỉ quấn một chiếc khố da hổ, thường mang một cây gậy sắt hay một thanh gươm lớn. Quỷ thường được miêu tả giống như “quỷ dữ” (từ “evil” trong tiếng Anh), nhưng thỉnh thoảng là hiện thân của một sức mạnh tự nhiên.
3) Tengu: Một loài yêu tinh trong truyền thuyết có sức mạnh siêu phàm và rất khéo léo, Tengu ban đầu được coi là một loại ma quái vô cùng nguy hiểm và là kẻ thù của đạo Phật, song trải qua nhiều thế kỷ, chúng từ một linh hồn bị đọa đầy trở nên nhanh nhẹn và thành người bảo vệ cho Đạt Ma.
4) Tsukumogami (付喪神): một trong những thể loại của yêu quái và Obake, bao gồm những đồ vật trong gia đình, trở thành sinh vật sống trong ngày sinh nhật thứ một trăm của chúng, như: Bakezori (化け草履- dép rơm), Biwa- bokuboku (琶牧々- đàn Biwa), Bura-bura (đèn giấy), Karakasa (唐傘- cây dù cũ), Kameosa (甌長- bình rượu cũ), Morinji no kama (茂林寺の釜 - ấm trả), Mokumokuren (目目連 - bình phong giấy với những con mắt)…
5) Nguồn gốc từ con người: Rất nhiều yêu quái ban đầu là con người bình thường, dần dần biến thành những sinh vật lạ thường và đáng sợ, thường là trong một trạng thái vô cùng kích động. Phụ nữ thì đau đớn, khổ sở do sự ghen tuông mãnh liệt của mình, ví dụ như miêu tả người phụ nữ đang dần biến thành quỷ nữ, người ta dùng mặt nạ Hannya (般若- Bát Nhã - nguồn gốc từ truyện kể Genji của nữ sĩ Murasaki Shikibu, trong đó phu nhân Rokujo- người tình của Genji do quá ghen tuông với nàng Aoi no Ue là vợ  cả của Genji, nên biến thành oan hồn sống ám ảnh Aoi no Ue, gia đình nàng Aoi đã mời các vị tăng đọc "Bát Nhã tâm kinh" để trừ tà). Có thể kể tới một số yêu quái tiêu biểu của thể loại này như: Rokuro- kubi (轆轤首- một  người có cái cổ có thể kéo dài trong đêm), Ohaguro- bettari (お歯黒べったり- một nhân vật thường là nữ, hiện ra chỉ với một cái miệng đen ngòm trên khuôn mặt), Futakuchi- onna (二口女- người phụ nữ với cái miệng to đùng và tham ăn ở đằng sau đầu), Dorotabo (泥田坊- một xác chết của người nông dân sống lại)..
6) Các thể loại khác:Ngoài các thể loại chính kể trên, còn có một số yêu quái khá đặc biệt, ví dụ như: Azuki-arai (小豆洗い- một yêu quái luôn rửa sạch những hạt đậu đỏ), Akaname(垢嘗- yêu quái chỉ có trong những phòng tắm bẩn thỉu và liếm những rác rưởi mà người chủ phòng tắm không ngăn nắp ấy để lại), Ashiarai- yashiki (足洗邸 - một bàn chân to lớn xuất hiện trong phòng và yêu cầu người chủ đang sợ hãi phải rửa sạch nó), Tofu-kozo (豆富小僧 - một chú tiểu nhỏ mang một cái bảng có tảng đậu phụ)…
Ngoài từ “youkai” (妖怪) được dùng với nghĩa “yêu quái”, từ “mononoke” (物の怪) cũng được hiểu với nghĩa tương tự. Nó cũng có nghĩa là “quái vật”, “ma” hay “linh hồn”, và còn có nghĩa là “linh hồn của một vật” hay “vật kỳ lạ”. Từ này cũng dùng để giải thích cho một vài sự việc không thể giải thích. Một số phim hoạt hình nổi tiếng về Mononoke được khán giả Nhật Bản và thế giới yêu thích, trong đó nổi tiếng nhất là phim “Mononoke Hime” (もののけ姫- tên tiếng Anh là “Princess Mononoke”), thường được gọi tắt là phim “Mononoke”.

Tài liệu tham khảo:
1) Komatsu Kazuhiko (biên tập) (2003), Nihon youkai gaku Daizen, Nxb Shougakukan, Nhật Bản.

Người thực hiện: Nguyễn Ngọc Phương Trang, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

No comments:

Post a Comment